Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại

Tuesday, 02/12/2014, 10:48 GMT+7

Hội thảo về Thừa phát lại tại PLO 29/11/14

Vi bằng của Thừa phát lại là một kênh để tạo lập nguồn chứng cứ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án.

  1. Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại

Thừa phát lại là một chế định tồn tại ở Việt Nam thời Pháp thuộc và sau đó là ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ cũ. Tiếp thu những ưu điểm vốn có của mô hình Thừa phát lại trước đây, mô hình Thừa phát lại hiện có ở các nước trên thế giới và để thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật thi hành án dân sự để tổ chức triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương trên cả nước.

Tiếp sau đó, một loạt các văn bản được các cơ quan nhà nước ban hành nhằm quy định chi tiết hoạt động Thừa phát lại. Hiện nay, hoạt động thí điểm được triển khai tại 13 tỉnh thành phố, trực thuộc TƯ bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá và Nghệ An. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 48 văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Địa phương có nhiều văn phòng nhất là TP.HCM với 12 văn phòng, tiếp đến là Thủ đô Hà Nội với 8 văn phòng. Bình Định và Nghệ An là 2 địa phương có số văn phòng ít nhất với chỉ 1 văn phòng ở mỗi địa phương.

  1. Thừa phát lại là người được bổ nhiệm để lập vi bằng và các chức năng khác

Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày18/10/2013 của Chính phủ thì Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc:

- Thi hành án;

- Xác minh điều kiện thi hành án;

- Lập vi bằng

- Tống đạt văn bản, giấy tờ của Tòa án và cơ quan thi hành án.

Hiện nay, các Văn phòng Thừa phát lại với chức năng lập vi bằng của mình ngày càng chứng tỏ là một chế định tiện ích và cần thiết trong đời sống xã hội.

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng của Thừa phát lại là một kênh để tạo lập nguồn chứng cứ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án.

Có thể nói, vi bằng chính là thế mạnh của Thừa phát lại. Thế mạnh này thể hiện ở vai trò, vị thế của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng. Ngoài Thừa phát lại, không có một hệ thống cơ quan nào giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu, với thủ tục giản đơn và không hạn chế thời gian. Đến tháng 10/2014, các Văn phòng Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP. HCM 22.940 vi bằng, doanh thu 31.270.347.000 đồng (chiếm tỷ lệ 55,14% tổng doanh thu). Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực như: ký kết giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng nhà; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm mua bán; ghi nhận cuộc họp của công ty; ghi nhận việc xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Trong quan hệ dân sự, Vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử mà trước khi có Thừa phát lại, hầu như không có cơ quan nào có chức năng giúp cho người dân thực hiện những việc này. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại được đánh giá là đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức xác lập chứng cứ, hạn chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.

Thời gian qua, các Văn phòng Thừa phát lại đã lập một số vi bằng có tác dụng thiết thực và gây tiếng vang lớn như: Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh lập vi bằng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến khối di sản 1000 tỉ của bà Thạch Kim Phát, gây tiếng vang lớn trong dư luận trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài; Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 lập vi bằng liên quan đến việc đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuộc tại Trung Quốc…

  1. Giá trị của vi bằng

Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về giá trị pháp lý của vi bằng, đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại, cũng như việc sử dụng vi bằng trong thực tế. Vì vậy, cần hiểu đúng bản chất của vi bằng, cũng như giá trị pháp lý của vi bằng.

Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì  vi bằng “là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác". Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định: "Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật".

Cho dù cách hiểu như thế nào thì về bản chất, vi bằng được Thừa phát lập chỉ với một mục đích duy nhất: đó là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến, trong đó, Thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được, ngửi được… vào vi bằng, kèm theo có thể là hình ảnh, quay phim để làm rõ thêm sự kiện lập vi bằng như là chụp lại một sự kiện, hành vi. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực về những gì mình đã ghi nhận trong vi bằng, do đó, vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo tính khách quan của sụ kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.

Vi bằng không phải là hợp đồng, giao dịch, do đó không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng. Chỉ những hành vi, những tuyên bố, cam kết, thỏa thuận, xác nhận … của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng, tương ứng với những quy định pháp luật có liên quan mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật, và họ tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy, không có vi bằng nào gọi là vi bằng “nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật”, mà chỉ có vi bằng là nguồn chứng cứ, khi cần thiết các bên liên quan sẽ sử dụng vi bằng để làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Thực tế thời gian qua có những trường hợp vi bằng bị nhẫm lẫn với văn bản công chứng, phổ biến trong lĩnh vực mua bán nhà đất. Tuy nhiên, Việc lập vi bằng của Thừa phát lại khác hoàn toàn với việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch của công chứng viên. Công việc của công chứng viên là xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch, văn bản công chứng có giá trị thi hành đối với các bên liên quan; còn công việc của Thừa phát lại là mô tả lại những gì Thừa phát lại chứng kiến, tức là xác nhận một sự việc có thật, và vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo một nội dung duy nhất: tính khách quan của sự việc mà Thừa phát lại chứng kiến. Vấn đề là, trong một số trường hợp, khi Thừa phát lại khi lập vi bằng đã không giải thích kỹ càng với người dân vi bằng được lập chỉ là chứng cứ chứng minh các bên có giao nhận tiền, nhà đất… mà không thể thay thế văn bản bắt buộc phải công chứng, dẫn đến trường hợp người dân hiểu nhầm vi bằng của Thừa phát lại thay thế văn bản công chứng của công chứng viên, từ đó thực hiện các giao dịch không đảm bảo an toàn pháp lý, và có thể phải gánh chịu thiệt hại. Đây là nhầm lẫn rất đáng tiếc mà Thừa phát lại phải rút kinh nghiệm khi lập vi bằng cho người dân. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng nên giới hạn phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại để tránh nhầm lẫn, cũng như chồng chéo với thẩm quyền công chứng chứng thực. Thực ra, vấn đề ở chổ cần tuyên truyền, cần có quy định về trách nhiệm giải thích pháp luật của Thừa phát lại để người dân hiểu được đâu là giá trị của vi bằng, đâu là giá trị của văn bản công chứng chứ không cần phải đặt ra một “giới hạn” cụ thể, bởi vì về bản chất, vi bằng không bao giờ có thể thay thế được văn bản công chứng.

  1. Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại

1.3.1. Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại theo Nghị định 61

Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại lần đầu tiên được quy định một cách khái quát tại Điều 25 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy định này, trừ những trường hợp bị pháp luật cấm như các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm

Tuy nhiên, do là một chế định mới, thời gian đầu, các Thừa phát lại không khỏi lung túng trong việc xác định thẩm quyền lập vi bằng. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn hướng dẫn số 415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011. Theo đó, định hướng Thừa phát lại trong thời gian thí điểm khi lập vi bằng cần chú ý một số nguyên tắc, đồng thời tập trung lập vi bằng với các trường hợp sau: “

  1. Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình.
  2. Xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà.
  3. Xác nhận tình trạng nhà khi mua nhà.
  4. Xác nhận tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm.
  5. Xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật.
  6. Xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế.
  7. Xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại.
  8. Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng.
  9. Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
  10. Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông.
  11. Xác nhận mức độ ô nhiễm.
  12. Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình.
  13. Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu.
  14. Xác nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực, đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền, vu khống…
  15. Xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp.
  16. Xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra.
  17. Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện.
  18. Xác nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật

Với tính chất là văn bản do Thừa phát lại lập, nhằm ghi nhận những sự kiện, hành vi làm chứng cứ, nội dung Vi bằng rất đa dạng, có thể nói rằng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, chỉ có thể hướng dẫn mang tính chất định hướng, nguyên tắc lập vi bằng mà không thể đặt ra những giới hạn cụ thể, mang tính chất “cầm tay, chỉ việc” đối với Thừa phát lại. Chúng tôi cho rằng, việc hướng dẫn mang tính chất định hướngnói trên rất phù hợp với hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại.

1.3.2. Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại theo Nghị định 135 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Sau 3 năm thực hiện thí điểm, Nghị định 61 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày18/10/2013. Theo đó, có nhiều nội dung thay đổi quan trọng liên quan đến hoạt động lập vi bằng, đáng chú ý là phạm vi thẩm quyền lập vi bằng bị thu hẹp hơn so với Nghị định 61, tức là bổ sung quy định Thừa phát lại không được lập vi bằng “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp”.

Tuy nhiên, hiểu thế nào là “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp” cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi đồng ý và ủng hộ quan điểm cho rằng  nội dung trên cần được hiểu là “các trường hợp mà Pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực” vì thực chất, các văn phòng Thừa phát lại chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi chứ không chứng nhận nội dung hợp đồng, giao dịch hay chứng thực chữ ký. Ngoài ra, Công văn  415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011 của Bộ Tư pháp định hướng lập vi bằng cũng có hướng dẫn Thừa phát lại có thể “xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp”.

Ví dụ: Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các bên tiến hành cuộc họp, sau đó ký biên bản họp; Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc các bên tự thảo luận và xác lập hợp đồng đặt cọc; Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc một người trình bày và ký tên trên tờ khai để cung cấp cho Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để làm chứng cứ vì họ không có điều kiện để ra Tòa…

Tuy nhiên, nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho Thừa phát lại trong việc xác định thẩm quyền lập vi bằng, và đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp.

Ngoài 415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011, Bộ Tư pháp còn ban hành Công văn số 1128/ BTP-TCTHADS ngày 18/1/2014 và Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại. Theo đó, khi lập vi bằng Thừa phát lại chú ý:

  • (1) Không lập vi bằng để chứng nhận tính tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính (là những việc thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp) .
  • (2) Không lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng trừ trường hợp sự kiện, hành vi trái pháp luật do người khác thực hiện ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lập vi bằng.

- (3) Không được lập vi bằng các hành vi, sự kiện của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp các sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng.

- (4) Không lập vi bằng để ghi nhận những sự kiện, hành vi mà mình không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác.

Vì còn nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền lập vi bằng, nên không chỉ có Thừa phát lại lúng túng trong việc xác định phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng mà Sở Tư pháp cũng gặp khó khăn trong việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký vi bằng. Chúng tôi cho rằng, cần có một cách hiểu thống nhất những nội dung trên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lập và đăng ký vi bằng,

  • Đối với vấn đề (1):

Thứ nhất, Thừa phát lại chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi mà không chứng nhận tính tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính, vì đó là công việc của công chứng, chứng thực. Vì vậy, không thể hiểu rằng mọi trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các sự kiện các bên tiến hành họp, thảo luận, xác lập các văn bản, cam kết, xác nhận, thỏa thuận… đều là việc chứng nhận tính tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch hoặc là  xác nhận chữ ký. Tuy vậy, hướng dẫn nói trên tạo ra cách hiểu là Thừa phát lại không được lập vi bằng mọi sự kiện, hành vi có liên quan đến các hợp đồng giao dịch.

Ví dụ: Thừa phát lại có quyền lập vi bằng sự kiện các bên họp Hội đồng thành viên, sau đó ký biên bản họp.

Ví dụ: Hai vợ chồng chuẩn bị ly hôn, họ lập văn bản thỏa thuận những tài sản dự kiến sẽ phân chia, dự kiến giải quyết việc nuôi con… để làm cơ sở thực hiện về sau. Khi thực hiện, các bên phải ra tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện các thủ tục theo quy định. Việc Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hai vợ chồng tự lập văn bản thỏa thuận nói trên hoàn toàn không thuộc trường hợp bắt buộc công chứng, chứng thực. Vi bằng của Thừa phát lại là căn cứ để sau này các bên thực hiện nghĩa vụ của mình đã thỏa thuận trong văn bản do các bên tự lập.

Ví dụ: Thừa phát lại không được lập vi bằng ghi nhận sự kiện các bên xác lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thứ hai, Nghị định 135 chỉ quy định không được lập vi bằng “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp”, nhưng văn bản hướng dẫn lại mở rộng ra mọi “hợp đồng, giao dịch; xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính” là không phù hợp với quy định của Nghị định 135, thu hẹp thẩm quyền của Thừa phát lại và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Tư pháp nên hướng dẫn cụ thể là “Trong thời gian thí điểm, Thừa phát lại không được lập vi bằng sự kiện, hành vi các bên xác lập hợp đồng, giao dịch mà pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực”

  • Đối với vấn đề (2):

Như đã phân tích ở mục 1.2, vi bằng được Thừa phát lập chỉ với một mục đích duy nhất: đó là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Không thể gán ghép cho vi bằng những thuộc tính mà vi bằng không hề có như là văn bản công chứng. Mặt khác, Thừa phát lại cũng không phải là cơ quan có thẩm quyền xác định sự kiện, hành vi nào là sự kiện, hành vi trái pháp luật. Thực tế, một số hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu không đảm bảo hình thức mà Luật quy định, nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ chứng cứ, những sự kiện, hành vi mà TPL lập vi bằng có liên quan đến những hợp đồng, giao dịch này (VD giao nhận tiền, ký cam kết, thỏa thuận) lại làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp về sau, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử của Tòa án.

Ví dụ: Các bên mua bán nhà giấy tay, nay nhờ Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc các bên có giao nhận tiền. Sự kiện Thừa phát lại lập vi bằng chính là việc giao nhận tiền của các bên. Giao dịch mua bán nhà đất của các bên về sau nếu có tranh chấp, có thể bị Tòa án tuyên là vô hiệu, nhưng vi bằng của Thừa phát lại chính là chứng cứ chứng minh việc các bên đã có giao nhận tiền, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu.

Vì vậy, cần thống nhất cách hiểu sự kiện hành vi lập vi bằng như quy định tại Nghị định 135, không thể buộc Thừa phái lại phải biết, và đảm bảo mục đích sử dụng của Vi bằng, vì người yêu cầu lập vi bằng có quyền tùy nghi sử dụng vi bằng trong khuôn khổ pháp luật.

  • Đối với vấn đề (3):

Thứ nhất, Việc Thừa phát lại lập vi bằng có liên quan đến hành vi của cán bộ, công chức không bị Nghị định 61, Nghị định 135 cấm lập vi bằng, mà chỉ nói chung là “trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm”.

Thứ hai, Thừa phát lại chỉ có quyền ghi nhận sự kiện, hành vi mà không có quyền nhận xét, hay phán quyết đâu là sự kiện, hành vi rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng. Mục đích lập vi bằng là để tạo lập chứng cứ, để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền phán quyết đó có phải là hành vi trái pháp luật hay không.

Ví dụ: Thực tế có trường hợp Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân Quận X đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện đại diện của Ban đến giao cho người dân quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp này, sự kiện lập vi bằng chính là sự kiện đại diện của Ban đến giao quyết định thu hồi đất cho người dân, làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục khác của Ủy ban.

  •  

Khi Thừa phát lại đang lập vi bằng một sự kiện, thì các bên tham gia có mâu thuẫn, có sự tham gia giữ gìn trật tự của lực lượng công an, TPL vẫn phải ghi nhận lại nội dung này một cách đầy đủ.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng việc lập vi bằng cần hướng đến mục đích tạo lập chứng cứ bảo vệ người dân, nhưng không xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, trật tự trị an, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, có thể hạn chế việc lập vi bằng trong một số trường hợp như: liên quan đến bí mật quân sự, hoạt động của lực lượng vũ trang, hoạt động xét xử của Tòa án, hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án, hoạt động cưỡng chế của Nhà nước, trừ trường hợp được người có trách nhiệm giải quyết vụ việc đồng ý. Ngoài ra, những sự việc khác, kể cả có sự liên quan đến hành vi của cán bộ, công chức Thừa phát lại đều có quyền tham gia lập vi bằng, nếu người yêu cầu lập vi bằng chứng minh được quyền, nghĩa vụ của họ bị ảnh hưởng bởi hành vi của cán bộ, công chức.

  • Đối với vấn đề 4:

Có ý kiến cho rằng, do khoản 2 Điều 26 Nghị định 61 quy định

Chúng tôi cho rằng hiểu như vậy là chưa đầy đủ. Khoản 2 Điều 26 Nghị định 61 quy định về thủ tục lập vi bằng, tức là những công việc mà Thừa phát lại phải thực hiện lập vi bằng. Bởi vì công việc lập vi bằng là việc mô tả lại, chụp lại một sự kiện có thật, việc mô tả phải chính xác, trung thực, khách quan. Vì vậy, Thừa phát lại chỉ được ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

Tuy nhiên, đối với loại vi bằng ghi nhận lời khai, lời trình bày, xác nhận một sự việc trong quá khứ là loại vi bằng mà Thừa phát lại ghi nhận sự kiện một hoặc nhiều cá nhân trình bày một nội dung nào đó trước mặt Thừa phát lại. Thừa phát lại có trách nhiệm ghi lại trung thực, khách quan vào vi bằng những gì người đó trình bày, xác nhận. Sự kiện lập vi bằng đó đang diễn ra trước mặt Thừa phát lại. Còn nội dung họ xác nhận, trình bày phải do chính họ chịu trách nhiệm.

Ví dụ: ông A là người làm chứng trong một vụ án, nhưng ông bị bệnh không thể ra Tòa, ông muốn Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lời trình bày của ông để làm chứng trước Tòa. Như vậy thì Thừa phát lại lập vi bằng cái gì?

Thừa phát lại phải lập vi bằng ghi nhận vào lúc x giờ, tại địa điểm y, ông A đang trình bày trước mặt Thừa phát lại nội dung “Lúc 8 giờ, ngày 29/11/2014, tôi thấy ông B đánh ông D”. sự việc ấy rõ ràng đang diễn ra trước mắt Thừa phát lại. Còn nội dung mà ông A trình bày có xác thực hay không phải do ông A chịu trách nhiệm, và do Tòa án phán quyết. Không thể cho rằng vì Thừa phát lại không tận mắt chứng kiến sự việc “Lúc 8 giờ, ngày 29/11/2014, tôi thấy ông B đánh ông D” nên không được lập vi bằng việc ông A trình bày. Điều quan trọng là, khi Thừa phát lại lập vi bằng, ông phải đảm bảo đúng thời gian x, địa điểm y, ông A đã trình bày “Lúc 8 giờ, ngày 29/11/2014, tôi thấy ông B đánh ông D”.

Nhưng nếu Thừa phát lại lập vi bằng như vầy là không được: Ông Thừa phát lại tự đóng vai mình là ông A, ông mô tả trong vi bằng như sau: “Lúc 8 giờ, ngày 29/11/2014, tôi thấy ông B đánh ông D”.

Mặt khác, khi sắp tới đây, Luật Tố tụng hình sự cho phép người bào chữa được quyền điều tra, thu thập chứng cứ, thì những dạng vi bằng như trên phục vụ đắc lực cho hoạt động này.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng nội dung “không lập vi bằng để ghi nhận những sự kiện, hành vi mà mình không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác” theo Điều 26 Nghị định 61 cần được thống nhất cách hiểu đúng với ý nghĩa là “thủ tục lập vi bằng” và là “kỹ năng lập vi bằng” của Thừa phát lại, và không thể cấm Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lời khai, lời trình bày, xác nhận một sự việc trong quá khứ.

Tóm lại, trên cơ sở những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành văn bản thống nhất các công văn hướng dẫn thực hiện Nghị định 61, Nghị định 135 và Thông tư liên tịch 09 về việc lập vi bằng theo hướng chỉ quy định về mặt nguyên tắc lập vi bằng, không giới hạn phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng so với quy định tại Nghị định 61, Nghị định 135, đề cao trách nhiệm cá nhân của Thừa phát lại, vốn là người được Nhà nước trao quyền để lập vi bằng – là văn bản có giá trị chứng cứ.

  1. Đăng ký vi bằng

Vi bằng của Thừa phát lại sau khi lập xong phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày lập. Trước đây, khi chế định Thừa phát lại chỉ mới đang thực hiện thí điểm tại TP.HCM trên cơ sở Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký vi bằng khá đơn giản. Các văn phòng Thừa phát lại khi đã lập vi bằng xong thì chỉ cần nộp 1 bản chính vi bằng lên Sở Tư pháp để cơ quan này xác nhận đã đăng ký đúng hạn. Tuy nhiên, khi mà Chính phủ quyết định mở rộng phạm vi thí điểm ra thêm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác trên cả nước và ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009/NĐ-CP về thừa phát lại thì việc đăng ký vi bằng có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng của Thừa phát lại nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định hoặc vi bằng đăng ký không đúng hạn.

Thực hiện việc đăng ký vi bằng theo Nghị định 135 làm cho các Sở Tư pháp và các Văn phòng Thừa phát lại lúng túng, vì đây là thay đổi rất quan trọng: Sở Tư pháp từ chỗ chỉ đăng ký vi bằng về mặt hình thức, để xác nhận có việc lập vi bằng, xác nhận việc đăng ký vi bằng đúng hạn, giờ phải kiểm tra về mặt nội dung của Vi bằng để xem vi bằng được lập đúng phạm vi, thẩm quyền hay không trong bối cảnh phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, việc Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng củng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như:

- Sở Tư pháp có phải liên đới chịu trách nhiệm với Thừa phát lại về giá trị pháp lý của vi bằng nếu vi bằng đã đăng ký nhưng bị Tòa án bác bỏ vì vi bằng đó lập không đúng quy định pháp luật?

- Vi bằng được lập đúng quy định pháp luật, đi đăng ký đúng hạn nhưng Sở Tư pháp từ chối đăng ký gây nên thiệt hại cho người yêu cầu lập vi bằng?

- Vi bằng được lập không đúng theo quy định pháp luật và Sở Tư pháp từ chối đăng ký?

- Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong việc từ chối đăng ký vi bằng giữa người yêu cầu lập vi bằng, người liên quan, Văn phòng Thừa phát lại và Sở Tư pháp?

Những câu hỏi nói trên chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, không chỉ làm Sở Tư pháp lúng túng trong việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký vi bằng mà còn làm nảy sinh tâm lý sợ trách nhiệm.

Về việc này, chúng tôi có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, theo quy định của Nghị định 135 và Nghị định 61 thì  Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để lập vi bằng. Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị ”chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”, trường hợp có tranh chấp về vi bằng thì “các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, về bản chất, việc lập vi bằng chính là tạo lập chứng cứ. Chỉ có Tòa án mới có quyền ra phán quyết về vi bằng của Thừa phát lại. Do vậy, phải nhìn nhận đúng bản chất của hoạt động lập vi bằng, đảm bảo giá trị chứng cứ của vi bằng, không nên tự giới hạn phạm vi lập vi bằng trái với quy định của Nghị định 135 và Nghị định 61 khi thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng của Thừa phát lại tại Sở Tư pháp.

Thứ hai, là người được Nhà nước giao quyền để lập vi bằng tạo lập chứng cứ, Thừa phát lại chịu trách nhiệm về vi bằng mình lập, Văn phòng Thừa phát lại không mong muốn và không yêu cầu Sở Tư pháp phải chia sẻ bất kỳ trách nhiệm gì khi đăng ký vi bằng của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định 135 và Nghị định 61. Thừa phát lại chỉ mong được tôn trọng chức năng và trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng.

Vì vậy, Chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng quy định việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp là nhằm mục đích xác nhận việc Thừa phát lại có lập vi bằng trong thực tế. Nội dung của vi bằng và những vấn đề liên quan khác sẽ do Thừa phát lại chịu trách nhiệm nhằm nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cá nhân của Thừa phát lại. Về lâu dài, cần bỏ thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp, nâng cao trách nhiệm của Thừa phát lại trong việc thực hiện chức năng của mình đã được Nhà nước trao quyền.

ThS. Nguyễn Tiến Pháp


Written : Ping

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW