Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Kết quả hoạt động bước đầu của Thừa phát lại Vĩnh Phúc

Thứ tư, 13/08/2014, 14:18 GMT+7

Văn phòng Thừa phát lại Phúc yên, Vĩnh Phúc

Là một trong 13 tỉnh, thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), sau gần 7 tháng đi vào hoạt động, các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh ta đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên hoạt động của các văn phòng TPL vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành.

Tín hiệu bước đầu

Đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập được 3 văn phòng TPL gồm: Văn phòng TPL Vĩnh Yên; Phúc Yên, Vĩnh Tường. Các văn phòng TPL được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, được Nhà nước cho phép thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: Tống đạt (chuyển giao trực tiếp các văn thư tố tụng của các cơ quan Tòa án); thi hành án dân sự các cấp đến người nhận là các cá nhân, cơ quan, tổ chức; lập vi bằng ghi nhận các hành vi, sự kiện theo yêu cầu của đương sự (vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của đương sự. Theo thống kê của Sở Tư pháp, tính đến tháng 7/2014, các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh ta lập được 30 vi bằng theo các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự được 2 vụ việc; tổng doanh thu của 3 văn phòng đạt khoảng 40 triệu đồng. Kết quả trên tuy còn khiêm tốn nhưng cho thấy hoạt động của các văn phòng TPL đã bước đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân trên địa bàn tỉnh.

Có mặt tại văn phòng TPL Phúc Yên khi chị Nguyễn Thị Minh (phường Hùng Vương, Phúc Yên) đang hoàn tất thủ tục lập vi bằng, chị cho biết: “Tôi và một người bạn chung tiền mua một miếng đất nhưng lại chỉ đứng tên một người. Để đảm bảo có cơ sở pháp lý cho việc phân chia về sau chúng tôi đã đến văn phòng TPL Phúc Yên lập vi bằng xác nhận số tiền mua đất là của cả 2 người, miếng đất đứng tên một người nhưng đồng sở hữu của cả 2 người. Đến đây, tôi được các cán bộ của văn phòng hướng dẫn rất tận tình, thủ tục xác lập cũng rất nhanh gọn chứ không rườm rà như tôi từng nghĩ. Lập vi bằng cũng đồng nghĩa với việc có chứng cứ đầy đủ về mặt pháp lý nên tôi thấy rất yên tâm, dù có vấn đề gì xảy ra cũng không lo”.

Chia sẻ về hoạt động trong thời gian vừa qua, anh Hoàng Quốc Thuận, Trưởng Văn phòng TPL Phúc Yên cho biết: “Hiện nay, dịch vụ được nhiều người sử dụng và biết đến nhất là lập vi bằng, sau hơn 6 tháng hoạt động (từ tháng 2/2014) văn phòng đã lập vi bằng được 24 việc, phần lớn các khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ đều rất hài lòng và đánh giá cao về hiệu quả của dịch vụ”.

Còn nhiều khó khăn

Có thể thấy sau 7 tháng đi vào hoạt động, các văn phòng TPL trên địa bàn đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần giúp người dân mở rộng quyền dân chủ trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý liên quan đến thi hành án dân sự, hỗ trợ cho cơ quan thi hành án ở địa phương giảm tải áp lực; giải quyết hiệu quả án tồn đọng và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành tòa án; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 7/2014, văn phòng TPL Vĩnh Yên đã đi vào hoạt động được 6 tháng nhưng mới thực hiện được 15 vụ việc (13 việc lập vi bằng và 2 việc xác minh điều kiện thi hành án), tổng số tiền thu được là 19,5 triệu đồng. Trong khi hiện nay văn phòng đang phải chi phí cho 6 người làm việc, tiền thuê nhà, chi phí điện nước, văn phòng phẩm,… lên đến 40 triệu đồng/tháng. Cũng tương tự như vậy Văn phòng TPL Phúc Yên ban đầu có 6 nhân viên, do khó khăn đã phải cắt giảm xuống còn 3 người, nhưng hàng tháng chi phí vẫn khoảng 25 triệu đồng, tính đến nay, văn phòng đã phải bù lỗ 100 triệu đồng chưa kể đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.

TPL là một chế định mới, lần đầu được triển khai thí điểm, hiểu biết của người dân và các cấp về chế định này còn hạn chế nên ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chế định TPL chưa hiệu quả, một số cấp ủy, ngành chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình nên chưa có sự phối hợp trong tổ chức thực hiện. Anh Hoàng Quốc Thuận, Trưởng Văn phòng TPL Phúc Yên cho biết thêm: “Hiện nay, phần lớn người dân vẫn chưa biểu rõ TPL là gì? chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các văn phòng TPL ra sao?... nên số lượng người đến với các văn phòng còn ít. Hoạt động của các văn phòng TPL Phúc Yên nói riêng và các văn phòng TPL trên địa bàn nói chung cũng còn gặp nhiều khó khăn do tòa án chưa quan tâm, giới thiệu người dân đến với các văn phòng TPL để thực hiện các văn bản phục vụ cho quá trình xét xử; các cơ quan thi hành án khi giao các văn bản tống đạt còn cầm chừng, nhỏ giọt hoặc chỉ giao những việc khó. Bên cạnh đó, khi thực hiện việc tống đạt, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, do nhiều trường hợp, đương sự không nhận giấy triệu tập thì theo quy định, thư ký nghiệp vụ phải liên hệ với chính quyền địa phương cử cán bộ để họ đến chứng kiến và ký tên vào biên bản niêm yết. Tuy nhiên, nhiều cấp ủy địa phương chưa có sự nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình, nên không ít lần chúng tôi nhờ công an hoặc cán bộ tư pháp xác nhận vào biên bản tống đạt, nhưng họ không chịu ký, vì cho rằng, họ chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cán bộ tòa án hoặc cơ quan thi hành án, còn TPL là “ông” nào, họ chưa biết”.

TPL là một chế định mới, đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm nên còn nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của TPL, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, các tổ chức liên quan, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cán bộ và nhân dân trên địa bàn về chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại của Đảng và nhà nước. Đồng thời tăng cường công tác phối kết hợp, quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ để đào tạo nguồn Thừa phát lại; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các văn phòng TPL để kịp thời nắm bắt thực tiễn hoạt động, những tồn tại, khó khăn của các văn phòng để có biện pháp tháo gỡ.

 (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc)


Người viết : Ping

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng